In offset là gì?
In offset là gì? Công nghệ In offset là một kỹ thuật in ấn trong đó, các hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm cao su (còn gọi là các tấm offset) trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy. Khi sử dụng với in thạch bản, kỹ thuật này tránh được việc làm nước bị dính lên giấy theo mực in.
Các ưu điểm của kỹ thuật in offset
- In ra hình ảnh chất lượng cao, sắc nét.
- Việc chế tạo các bản in dễ dàng.
- Có thể ứng dụng in trên nhiều chất liệu khác nhau ( vải, gỗ, da…).
- In được trên các loại từ mặt phẳng đến sần sùi.
- Nâng cao tuổi thọ của bản in vì không tiếp xúc trực tiếp với bề mặt cần in.
Nguyên lý in offset
In offset là phương pháp in phẳng, nguyên lý của phương pháp này dựa trên các phần tử in bị quang hoá. Nhờ đó những phần tử in này sẽ bắt lấy những phần tử mực trong quá trình in. Những phần tử không in sẽ bắt lấy các phần tử nước. Ngoài ra hình ảnh trên khuôn in phải là hình ảnh thuận, tức là cùng phương với tờ in sẽ được in ra.
Cấu tạo máy in offset
Cấu tạo máy in offset gồm 3 phần: hệ thống in, hệ thống làm ẩm, hệ thống cấp nguyên liệu.
1. Hệ thống in bao gồm 3 trục chính:
- Ống bản: là một trục ống bằng kim loại, trên khuôn in phần tử in bắt mực còn phần tử không in bắt nước.
- Ống cao su: là một trục ống mang tấm cao su offset, có cấu tạo gồm một lớp vải bọc với cao su tổng hợp để truyền hình ảnh từ khuôn in lên bề mặt vật liệu in.
- Ống ép: là một trục khi quay luôn tiếp xúc với ống cao su, làm nhiệm vụ chuyển giấy và các vật liệu in khác.
2. Hệ thống làm ẩm:
Là hệ thống các lô làm ẩm bằng dung dịch làm ẩm có chứa các chất phụ gia như: axit, gôm arabic, cồn isopropyl hay các tác nhân làm ẩm khác.
3. Hệ thống cấp nguyên liệu
- Hệ thống cấp mực: là hệ thống các lô chà mực cho bản in.
- Bộ phận nạp giấy: làm nhiệm vụ hút giấy và các vật liệu in khác từ bàn cung cấp giấy lên và đưa xuống đơn vị in đầu tiên.
- Các bộ phận trung chuyển: (thông thường là các trục ống có nhíp kẹp giấy) có khả năng vận chuyển giấy đi qua máy in.
- Bộ phận ra giấy: là bộ phận nhận giấy ra và vỗ giấy đều thành cây giấy trên bàn ra giấy.
Quy trình in offset
Quy trình in offset gồm 4 bước sau: thiết kế chế bản, outfilm, phơi kẽm và in.
Bước 1: Thiết kế chế bản.
Thiết kế chế bản là công việc được thực hiện trên máy tính. Ở công đoạn này người thiết kế sẽ thiết kế các bản vẽ, mô phỏng sản phẩm trên máy tính. Sau khi khách hàng chốt bản in lần cuối sẽ tiến hành các bước sau. Lưu ý: trong in ấn sử dụng hệ màu CMYK, nên khi thiết kế nên chuyển về hệ màu CMYK để sản phẩm in ra có màu sắc chuẩn nhất.
Bước 2: Xuất film (outfilm).
Sau khi chốt thiết kế chế bản, sẽ tiến hành xuất film. Do in offset là in từng lớp màu vì vậy, chúng ta cần tách bản in thành 4 lớp màu cơ bản trong hệ màu CMYK gồm: C (Cyan), M (Magenta), Y (Yellow), K (Black).
Ảnh tách màu CMYK
Tách màu bản in
Bước 3: Phơi kẽm.
Phơi kẽm hay phơi bản kẽm, là quá trình phơi từng tấm film lên các bản kẽm. Mỗi bản kẽm sẽ đại diện cho một lớp màu ở bước 2 đã đề cập ở trên.
Bước 4: Tiến hành in.
Sau khi đã chuẩn bị xong các bản kẽm, người ta sẽ tiến hành lắp các tấm kẽm vào các lô máy in. Quá trình in này thực hiện với từng màu một; cũng đồng nghĩa với việc khi cấp mực cho máy in cũng cần đúng màu với bản kẽm tương ứng.
Các loại máy in offset
Hiện nay có 2 loại máy được dùng phổ biến ở Việt Nam là: máy in offset 2 màu và máy in offset 4 màu.
Máy in offset 2 màu là dòng máy chỉ in được tối đa 2 màu cùng một lúc.
Ưu điểm: là máy giá thành rẻ, chi phí in cũng thấp hơn máy 4 màu. Vì vậy, dòng máy này vẫn được sử dụng in ấn phổ biến hiện nay.
Nhược điểm: in được ít màu cùng lúc, trừ những màu cơ bản không phải pha phối thì in dễ dàng. Còn màu sắc in pha khá khó khăn phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề và kinh nghiệm của thợ in.
Máy in offset 4 màu là thế hệ máy in hiện đại hiện nay. Nó sở hữu nhiều tính năng vượt trội, in được nhiều màu cùng lúc. Giúp cho quá trình in ấn trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn. Vì vậy nó được sử dụng vô cùng phổ biến.
Nhược điểm: giá thành tương đối cao.
Trên đây là những chia sẻ của Xưởng In Nam Việt về công nghệ in offset hiện đại nhất hiện nay. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho các bạn cái nhìn tổng quan nhất về công nghệ in hiện nay.